Trình tự thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở hiện nay được quy định một cách theo quy chuẩn của hệ thống pháp luật Việt Nam dựa trên các văn bản pháp luật bao gồm : Luật xây dựng năm 2014, văn bản hợp nhất 48/VBHN-VPQH 2018 Luật xây dựng 2014 được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử Sở xây dựng của các tỉnh, tuy nhiên nhiều chủ đầu tư vẫn còn vấp phải những bở ngỡ trong quá trình xin cấp phép xây dựng nhà ở và không nắm được quy trình giải quyết vấn đề này ra sao ? Chúng tôi hôm nay sẽ trình bày cho quý bạn đọc về trình tự giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định theo khoản 1 Điều 102 Luật Xây Dựng năm 2014 ban hành ngày 18/06/2014, nay được hợp nhất thành văn bản hợp nhất 48/VBHN-VPQH 2018 Luật xây dựng 2014.
Trước khi tiến hành xây dựng một công trình đòi hỏi chủ đầu tư phải có giấy cấp phép xây dựng công trình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trừ các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014. Các bước trình tự giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ như sau :
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ
Hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 02 bộ hồ sơ nộp cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Ủy ban nhân dân quận, huyện tiếp nhận kiểm tra hồ sơ nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cấp biên nhận hồ sơ trong đó có ngày hẹn trả kết quả trao cho người nộp. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì hướng dẫn để người nộp hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ
Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa trong thời hạn 07 ngày làm việc. Ủy ban nhân dân cấp huyện phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ.
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ trong 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho hộ gia đình, cá nhân xây dựng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Nếu hồ sơ vẫn không đáp ứng được các điều kiện nêu trong văn bản thông báo thì trong 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;
Bước 4: Lấy ý kiến
Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình đối chiếu các điều kiện theo quy định, gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng trả lời bằng văn bản trong thời hạn 12 ngày. Nếu hết thời hạn này mà cơ quan không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý và vẫn phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của cơ quan.
Bước 5: Cấp giấy phép
Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải xem xét, kiểm tra hồ sơ để cấp giấy phép. Nếu đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hồ sơ đề nghị không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ đầu tư biết.
Bước 6: Nhận kết quả
Đến ngày hẹn trong giấy biên nhận chủ đầu tư nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Đối với các công trình thuộc hạng mục đặc biệt hay các công trình quy mô lớn, công trình có vốn đầu tư nước ngoài …tùy thuộc vào mức độ, quy mô mà thuộc thẩm quyền cấp tỉnh hoặc của Sở xây dựng. Lúc tiến hành xin cấp phép cần xem xét công trinh của mình thuộc hạng mục cấp nào từ đó xác định chủ thể có thẩm quyền cấp giấy phép.