Trong một ngôi nhà, bên cạnh những kết cấu như tường nhà, trần nhà, có một yếu tố được đánh giá là quan trọng không kém. Đó chính là chiếc cửa ra vào. Cửa ra vào ở đây không chỉ là cửa chính của ngôi nhà, mà còn là cửa ngăn cách khu vực các phòng với nhau, đảm bảo cho sự riêng tư của từng căn phòng. Có thể kể tới như cửa ra vào phòng ngủ, cửa ra vào phòng vệ sinh ra hay cửa ra vào ban công…
Ngoài vật liệu, kiểu dáng, màu sắc và kích thước của cửa, góp phần tạo nên sự thẩm mỹ, thì một điều nữa nhiều gia chủ cân nhắc khi thi công cửa ra vào trong nhà mình, đó là nên lắp đặt cửa mở vào trong hay cửa mở ra ngoài. Vậy thực sự cửa ra vào nên được làm theo kiểu nào thì tốt hơn? Có quy định cụ thể nào về việc thi công này hay không?
Cửa ra vào nên được thi công mở vào trong hay mở ra ngoài? (Ảnh minh họa)
Theo lời khuyên của những kiến trúc sư hay các đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm thi công, lắp đặt cửa ra vào, trong điều kiện lý tưởng, thì cửa ra vào, đặc biệt là cửa chính của ngôi nhà, nên được mở ra ngoài thì sẽ tốt hơn. Những ưu điểm khi cửa chính được mở ra ngoài có thể kể tới là tiết kiệm diện tích trong nhà hay đảm bảo thẩm mỹ cho mặt tiền ngôi nhà.
Tuy nhiên trên thực tế, tùy vào diện tích hay nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh, các chuyên gia cũng nói thêm, gia chủ có thể cân đối sao cho phù hợp với chính gia đình mình. Mỗi loại lại có những ưu, nhược điểm khác nhau.
1. THI CÔNG CỬA MỞ RA NGOÀI
Như đã nói ở trên, cửa ra vào được lắp đặt theo kiểu mở ra ngoài sẽ giúp tiết kiệm diện tích trong nhà. Khi lắp đặt bộ cửa, thay vì luôn phải dự trù một phần diện tích để cửa mở ra, thì khi cửa mở ra ngoài, việc đó không còn cần thiết nữa. Gia chủ có thể tận dụng một khoảng không gian gần cửa để làm những công việc khác, tùy với nhu cầu.
Thứ 2 là liên quan đến thẩm mỹ cho mặt tiền ngôi nhà. Điều này cũng phần nào liên quan đến yếu tố phong thủy. Cửa ra vào, đặc biệt là cửa chính của căn nhà thường được quan niệm như nơi hấp thụ ánh sáng và luồng sinh khí nuôi dưỡng căn nhà. Vì vậy, khi cửa được mở theo kiểu ra ngoài thì đón khí sẽ tốt hơn. Khi mở cửa ra, ngôi nhà cũng sẽ trông bề thế hơn, rộng rãi hơn.
Để dễ dàng tận dụng không gian gần cửa chính, nên thi công cửa mở ra ngoài. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, đặc biệt với những ngôi nhà công trình nhà ở cao tầng, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần tuân thủ các nguyên tắc liên quan đến vấn đề thoát hiểm. Tất cả các cửa bên dưới tầng 1 nên được mở ra ngoài. Nguyên nhân là nếu cửa đẩy vào trong, trong các trường hợp khẩn cấp sẽ có thể gây tắc cục bộ.
2. THI CÔNG CỬA MỞ VÀO TRONG
Bên cạnh thi công cửa mở ra ngoài, nhiều gia đình cũng lựa chọn hướng cửa mở vào trong bởi nhiều lý do. Với cửa chính của ngôi nhà, mở vào trong sẽ giúp cửa cũng như ngôi nhà tránh được phần nào tác động từ ngoài môi trường.
Đơn vị lắp đặt cửa chuyên nghiệp Austdoor cho biết, khi bộ cửa chính mở ra ngoài, nếu hướng nhìn từ ngoài vào trong nhà, sẽ thấy giữa cánh và khuôn luôn có khe hở. Những khe hở đó là điều kiện thuận lợi để nước mưa, khói bụi lọt vào trong nhà ngay cả khi cửa đóng. Ngược lại, khi bộ cửa chính mở vào, cùng góc nhìn từ ngoài vào trong, sẽ không thể thấy được khe hở giữa cánh – khuôn. Lý do là tất cả các khe hở đã được che phủ bởi hèm cửa. Vậy nên cửa chính mở vào trong sẽ chống chọi với tác động bên ngoài tốt hơn.
Trong một số trường hợp, cửa chính cũng nên được thi công mở vào trong. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, với những ngôi nhà ở mặt đường, mặt tiền nhà sát với vỉa hè, đường giao thông hay trong những con ngõ chật hẹp, việc thi công cửa chính mở ra ngoài sẽ vô tình gây bất tiện và ảnh hưởng tới không gian công cộng. Vì vậy nên thi công cửa mở vào trong. Những ngôi nhà sử dụng cửa 2 lớp, như thêm lớp cửa cuốn, cửa xếp hay cửa sắt cũng bắt buộc phải thi công cửa mở vào trong hoặc cửa kéo ngang.
Việc thi công cửa mở vào trong cũng phù hợp với cửa thông phòng trong gia đình như cửa phòng ngủ hay cửa phòng vệ sinh, phòng tắm. Đối với phòng vệ sinh, phòng tắm, đây là những môi trường ẩm ướt, trong quá trình sử dụng, sẽ có nhiều nước đọng trên khu vực cửa. Vì vậy khi mở vào trong, nếu có nước thì sẽ không bị nhỏ xuống sàn nhà. Bảo vệ sàn nhà khỏi hỏng hóc, đặc biệt là với sàn nhà gỗ. Ở phòng ngủ, việc mở vào trong sẽ tiết kiệm diện tích lối đi, không gian chung trong nhà, lối đi và không gây bất ngờ cho người ở ngoài khi ta mở cửa.
Cửa thông phòng nên được thi công mở vào trong để không ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung. (Ảnh minh họa)
Tóm lại, việc thi công cửa ra vào theo hướng mở vào trong hay mở ra ngoài còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Ngoài ra, gia chủ cũng cần cân nhắc các yếu tố quan trọng khác sao cho phù hợp nhất với điều kiện và nhu cầu của gia đình mình.