Cách đây rất nhiều năm về trước, có một nam sinh lớp 8 tình cờ xem được chương trình tài liệu về nghề kiến trúc sư (KTS) trên VTV. Bị ấn tượng mạnh và được truyền cảm hứng, cậu quyết tâm theo đuổi mục tiêu trở thành KTS.
Năm 2012, cậu bé năm nào tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, chính thức theo đuổi giấc mơ. Sau 5 năm lăn lộn với nghề, KTS trẻ thành lập được văn phòng kiến trúc của riêng mình. Hiện tại, anh đã là KTS trưởng của nhiều công trình, đạt được những thành tựu nhất định trong sự nghiệp.
Đó là câu chuyện đến với nghề của KTS Phan Văn Trần Tuấn, quê Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM và đang là founder văn phòng kiến trúc HINZ Studio.
Cũng sau ngần ấy thời gian, cảm nhận của anh với nghề KTS cũng đã có nhiều thay đổi. KTS vẫn là công việc thú vị và giá trị nhưng thực sự là một nghề khó, đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ cao. “Danh xưng kiến trúc sư với mình ngày một xa xỉ, vì càng làm mình càng cảm thấy mình chưa đủ xứng đáng với nó. Nếu có ai hỏi về nghề nghiệp, mình chỉ nói là mình làm nghề xây dựng…” – anh tâm sự.
Tôn trọng niềm tin cá nhân, kể cả khi khách hàng đưa 1 tờ A4 ghi lưu ý phong thuỷ
Ai khi mới làm nghề cũng phải loay hoay tìm chỗ đứng. Đến thời điểm nào thì anh Tuấn cảm thấy “À, thì ra những gì mình đã làm cũng ổn, cũng được mọi người biết đến”?
Có 2 cột mốc. Lần đầu tiên là khi tôi hoàn thành xong công trình Memory Hostel vào năm 2016, khi đó HINZ vẫn chưa được thành lập. Tiếp theo là năm 2018 với Cozyhouse. Tuy nhiên ở cả 2 thời điểm đó tôi chỉ thấy vui vì cuối cùng cũng được làm nghề như cách mình nghĩ chứ không tính toán gì sâu xa hơn.
Memory Hostel
Cozyhouse
Các thiết kế của anh và team có phong cách khá truyền thống. Tại sao anh lại quyết định theo đuổi điều này trên con đường làm nghề của mình?
Có lẽ là do tôi được truyền cảm hứng từ các công trình xưa cũ mà mình từng được chiêm ngưỡng, đặc biệt là công trình ở miền Trung.
Bản thân tôi cũng suy nghĩ nhiều về việc kết hợp giữa các chất liệu trong kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, đối với tôi và team, kiến trúc chỉ làm nền cho các hoạt động của con người bên trong nó và nó sẽ không ngừng chuyển động theo sự thay đổi của thời đại. Dòng chảy của kiến trúc cũng giống như dòng nước mang theo phù sa chảy khắp ngóc ngách ra biển rồi lại trở về thượng nguồn qua những cơn mưa. Vòng tuần hoàn ấy lặp đi lặp lại liên tục nhưng sẽ không bao giờ giống nhau ở mọi thời điểm. Vì vậy tôi nghĩ cũng không nên quá cứng nhắc trong việc phân biệt đúng – sai, cũ – mới, truyền thống – hiện đại.
“Nhà mà sửa đến sửa lui, giống phẫu thuật thẩm mỹ hỏng, sẽ bị xấu đi” là quan điểm của một nhà thiết kế nội thất có tiếng trên MXH. Còn trên fanpage của HINZ studio thì cho rằng căn nhà được thiết kế lại trên bộ khung có sẵn có sự thú vị riêng. Dường như đây là 2 quan điểm đối lập nhau đúng không anh?
Mỗi người thiết kế sẽ có một quan điểm riêng, chịu tác động bởi nhân sinh quan của người đó. Với tôi, miễn là thiết kế đem lại những giá trị đương đại thì vẫn là một thiết kế tốt. Việc sửa tới sửa lui cũng có nhiều nguyên nhân hoàn cảnh khác nhau, rất khó để nhận xét qua một câu nói như vậy.
Còn với căn nhà được thiết kế trên bộ khung có sẵn, cái thú vị nhất chính là “vết tích thời gian”. Nó chứa rất nhiều thông tin giúp người thiết kế có thêm chất liệu để sáng tạo. Việc này cũng giống như khi chúng ta giúp một cái cây tiếp tục sống khi điều kiện môi trường xung quanh nó thay đổi vậy.
Được biết có người dành hẳn một trang A4 về các lưu ý phong thuỷ cho anh và team. Phong thuỷ quan trọng ra sao trong thiết kế? Và KTS cần tìm hiểu kiến thức phong thuỷ thế nào?
Tôi không có nhiều kiến thức về phong thủy. Với tôi, giải quyết đề bài về phong thủy cũng giống như đề bài về các nhu cầu sử dụng khác. Trước khi thiết kế, chúng tôi đều dành thời gian lắng nghe để hiểu khách hàng. Có những thứ rất cá nhân nằm ngoài đúng sai, chẳng hạn như những nỗi sợ vô hình hay mong muốn hữu hình và tất cả điều đó với chúng tôi đều là dữ liệu đầu vào.
Về phong thủy, bản chất của nó là sắp xếp, tổ chức không gian phù hợp với tự nhiên và lối sống của con người, được người xưa truyền tai nhau như một cuốn sổ lưu trữ kinh nghiệm xây cất. Với cách tổ chức xã hội hiện đại, một số thứ đã không còn phù hợp hoặc được hiểu một cách quá cứng nhắc và có hơi hướng tâm linh. Nhưng như đã nói ở trên, vì hiểu biết về phong thuỷ có hạn và chúng tôi tôn trọng niềm tin cá nhân của mỗi người. Vì thế, chỉ cần khách hàng tin tưởng và tôn trọng công việc của chúng tôi, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe đồng thời mang lại không gian khiến họ cảm thấy an yên.
Có công trình anh và team đã phải làm đến năm thứ 3, thời gian thi công kéo dài như vậy có nằm trong dự tính không hay còn lý do nào khác? Anh có công trình nào bị trễ tiến độ đến mức bị khách hàng phàn nàn không?
Thời gian thực hiện công trình kéo dài là điều mà tất cả những mọi người tham gia thực hiện đều không mong muốn. Lý do thì muôn hình vạn trạng. Đa phần khách hàng đều mong muốn tạo không gian sáng tạo tốt nhất cho chúng tôi nên cũng không quá gây áp lực về mặt tiến độ. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn, chúng tôi luôn tự nhắc nhở nhau không nên để mọi thứ quá lê thê nếu không thật cần thiết.
Công trình Tất viên
Tuyển dụng nhân sự với 2 tiêu chí: Tử tế và hướng thiện
Khi làm nghề đến nay, có những hiểu lầm nào về KTS mà đôi khi nghe xong anh chỉ muốn giải thích ngay và luôn cho mọi người không?
Rất nhiều. Ví dụ như nhiều người vẫn cho rằng KTS là nghề vẽ hoặc sẽ đánh đồng công việc của KTS với công việc của kỹ sư,… Thật ra, bản thân anh em làm nghề nhiều khi vẫn còn mơ hồ về vai trò của mình thì trách ai được.
Là người trong cuộc, anh thấy câu chuyện cạnh tranh trong nghề KTS đang diễn ra thế nào?
Thú thực là tôi không rõ bên ngoài như thế nào. Nhưng khi thấy công trình của anh em đồng nghiệp làm tốt quá thì mình vừa vui cho họ, vừa phải tự nhìn nhận lại bản thân. Đó là lý do mà càng làm nghề tôi càng thấy mình còn nhiều thứ phải học hỏi và cố gắng hơn nữa.
Gạch đầu dòng đầu tiên trong nội dung tuyển dụng nhân sự của team anh là “Có lối sống tử tế và hướng thiện”, sau đó mới đến các yếu tố chuyên môn. Tại sao lại có sự ưu tiên này?
Công việc thiết kế kiến trúc cần sự chung tay của tập thể và sản phẩm tạo ra đem lại giá trị cho người khác. Nếu không tử tế, làm sao làm việc được với nhau? Nếu không hướng thiện, làm sao đem lại giá trị được cho ai?
Mà để tử tế được thì cũng cần quá trình rèn luyện.
Công trình The TUBON
Vậy giữa KTS – thiên về kỹ thuật và sáng tạo với sếp – thiên về kinh doanh và quản lý, anh thích vị trí nào hơn?
Việc thành lập văn phòng kiến trúc của riêng mình là cơ duyên chứ không phải là chủ đích từ đầu của tôi. Vì thế, đến giờ tôi vẫn đang ở vai trò là KTS thiết kế nhiều hơn là người điều hành doanh nghiệp.
Quả thực tôi vẫn muốn say sưa với những bản vẽ hơn là con số và biểu đồ. Tuy nhiên, văn phòng kiến trúc vẫn là một doanh nghiệp và bản thân tôi phải có trách nhiệm cũng như năng lực để vận hành nó. Vì vậy tôi vẫn đang cố gắng trau dồi từng ngày qua sách vở và thực tiễn để có thể làm tốt cả hai vai trò.
Facebook cá nhân của anh rất ít thông tin công khai, thậm chí không chia sẻ về công trình của mình. Không xây dựng thương hiệu cá nhân có phải là một bất lợi/ thiệt thòi với KTS hay không, theo anh?
Đã là trang cá nhân thì tôi chỉ muốn chia sẻ những điều riêng tư cá nhân. Hơn nữa tôi không biết nhiều kiến thức về Marketing nên không rõ là nó thiệt thòi thế nào. Và khi đã thành lập văn phòng kiến trúc thì tôi càng không mong muốn nó sẽ gắn với hình ảnh cá nhân mình. Bởi vì đây là giá trị của tập thể.
Để chia sẻ một vài điều đến các bạn trẻ đang nuôi giấc mơ trở thành KTS, anh sẽ nói điều gì với họ?
Đây là nghề cần sự kiên trì và bền bỉ, sẽ rất khó để có thể đạt được thành tựu thật sự trước 40 tuổi trừ khi bạn là thiên tài. Vì thế, nếu bạn mong chờ điều gì đó nhanh chóng và suôn sẻ, hãy tìm cho mình sự lựa chọn khác tốt hơn.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!