Dinh thự đắt đỏ nhất Trung Quốc: Một cột gỗ cũng có giá hơn 9.000 tỷ, người giàu nhất thế giới chẳng thể mua được

Phong thủy bảo địa

Nói về phong thủy, người Trung Quốc có câu “Đi đến đồng bằng chớ có hỏi sơn mạch, chỉ cần nhìn nước uốn khúc thì biết đó là chân long“. Nghĩa của câu này là khi xây nhà ở vùng đồng bằng, nơi có phong thủy tốt nhất phải là nơi có long mạch.

Ở Trung Quốc, ngoài Tử Cấm Thành thì một dinh thự nữa cũng được xây dựng trên long mạch. Đó là Cung vương phủ, thường được biết đến với cái tên phủ Hòa Thân – một viên quan nổi tiếng thời nhà Thanh.

Hiện Cung vương phủ là danh lam thắng cảnh cấp 5A, đồng thời là di tích văn hóa trọng điểm cấp quốc gia Trung Quốc với nhiều giá trị độc đáo.

Theo Sohu, dựa vào giá trị lịch sử và kiến trúc, dinh thự này hoàn toàn nằm ngoài tầm với của không chỉ người bình thường mà ngay cả những tỷ phú giàu có, thậm chí giàu có nhất thế giới.

Cung vương phủ rộng 60.000 m2, nếu ước tính theo tiêu chuẩn hiện đại, thì nó rộng bằng gần chục sân vận động. Việc xây dựng cũng mất 5 năm.

Dinh thự đắt đỏ nhất Trung Quốc: Một cột gỗ cũng có giá hơn 9.000 tỷ, người giàu nhất thế giới chẳng thể mua được - Ảnh 1.

Căn phòng được dựng từ gỗ kim tơ nam mộc quý giá. Ảnh: The Paper

Từ quan điểm “uốn mà giữ thì gọi là bụng rồng, mạch sâu uốn lượn, sẽ có phúc cho đời sau” nên Hòa Thân đã thiết kế các dòng nước bao quanh dinh thự. Khắp nơi trong dinh thự đều thấy nước nhằm thể hiện quan niệm tích thủy tụ tài.

Ngoài ra, Hòa Thân còn xây dựng một hồ nước trong dinh thự và nước trong hồ được dẫn trực tiếp từ hồ Ngọc Tuyền.

Đương thời, chỉ có hoàng cung mới có thể dùng nước từ hồ Ngọc Tuyền nên việc Hòa Thân có thể trực tiếp dẫn nước từ hồ hoàng cung vào hồ riêng, điều này cho thấy ông có một vị trí cực kỳ quan trọng đối với hoàng đế Càn Long.

Giá trị văn hóa và vật chất vô giá

Trong Cung vương phủ có một dãy nhà chứa kho báu có tên Hậu Trảo Lâu. Đây cũng là dãy nhà tráng lệ nhất trong dinh thự của Hòa Thân. Toàn bộ tòa nhà dài hơn 160 mét, tương truyền có 99 phòng rưỡi.

Trong Kinh Dịch, 99 mang ý nghĩa vật cực tất phản, sau 99 sẽ là hồi kết như “trăng tròn thì tàn, nước đầy thì tràn”, cho nên 99,5 ngụ ý chưa đạt giới hạn.

Dinh thự đắt đỏ nhất Trung Quốc: Một cột gỗ cũng có giá hơn 9.000 tỷ, người giàu nhất thế giới chẳng thể mua được - Ảnh 2.

Họa tiết dơi ngụ ý phúc lành xuất hiện trong các thiết kế ở Cung vương phủ. Ảnh: The Paper

Hậu Trảo Lâu có tổng cộng 44 cửa sổ bằng gấm. Mỗi cửa sổ lại thiết kế hoa văn khác nhau. Bằng cách này, khi Hòa Thân đi vào lấy bảo vật, ông có thể tìm loại bảo vật tương ứng với hình dạng của cửa sổ.

44 cũng là con số được Hòa Thân yêu thích vì nó là số đối xứng, tượng trưng cho điềm lành.

Ngoài ra, văn hóa “Phúc” trong dinh thự cũng là điều đáng nói.

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, chữ Phúc (Phúc lộc) và Bức (trong Biên Bức – con dơi) có cách phát âm giống nhau, vì vậy có thể nhìn thấy dơi dưới nhiều hình thức khác nhau trong thiết kế Cung vương phủ. Thậm chí, 44 cửa sổ bằng gấm kia cũng ẩn chứa đủ loại “phúc”.

Người ta đếm được có 10.000 chữ phúc và 9.999 con dơi khác nhau ở cửa, dầm, đền, ao hồ…. trong Cung vương phủ.

Ngoài ra Cung vương phủ còn cất giữ bức thư pháp “ngũ phúc hợp nhất” nổi tiếng của Khang Hy. Đương thời, Hòa Thân ra lệnh vận chuyển hàng nghìn viên đá từ Thái Hồ về dinh thự, dựng thành con rồng khổng lồ, giấu tấm bia “Phúc” trong hang rồng và cất giữ cẩn thận.

Theo người Trung Quốc, Cung vương phủ là dinh thự có giá trị nhất nước này không chỉ vì tiếng tăm lừng lẫy của nó mà mọi món đồ trong dinh thự đều rất quý giá.

Có rất nhiều bảo vật vô giá trong Cung vương phủ, chẳng hạn như các thiết kế gỗ được làm từ gỗ kim tơ nam mộc quý giá. Thậm chí, một chiếc cột trong phủ làm từ gỗ kim tơ nam mộc được cho có giá 2,7 tỷ NDT (9,2 nghìn tỷ VND).

Đây là loại gỗ quý bởi vì đặc tính ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Đó là một kiệt tác kiến trúc thực sự.