Mỗi khi nhắc tới những con người làm nên thành công của một công trình, ta sẽ thường nhớ đến nhiều là những người kiến trúc sư, những nhà thiết kế hay những người thợ thi công. Tuy nhiên ít ai biết, có một người thầm lặng cũng góp phần nào để tạo nên một công trình hoàn hảo. Đó chính là người làm công việc Home Stylist.
Khái niệm về Home Stylist chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên ở nhiều quốc gia trên thế giới nó đã trở thành một nghề và được đánh giá là cần thiết với mọi công trình, từ nhà ở, các nhà hàng, quán cà phê hay các khách sạn.
Hiểu đơn giản, công việc Home Stylist liên quan đến việc áp dụng các bước hoàn thiện cho không gian, nhằm hoàn thiện giao diện mà gia chủ mong muốn, đem được tinh thần và cảm xúc, giúp những món đồ trong nhà trở nên sống động hơn.
Anh Đặng Phú Cường, hay còn được biết đến nhiều hơn với cái tên Carrot Dang là một trong những người làm công việc Home Stylist có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, anh còn gây dấu ấn bởi những không gian mang phong cách cổ điển, hoài cổ rất riêng, khiến nhiều người khi nhìn vào đều phải nhận xét, đây chính là do Carrot Dang tạo ra.
Tính đến nay sau hơn 6 năm làm nghề, Carrot Dang đã “bỏ túi” cho bản thân 15 công trình, trong đó có cả những công trình chính anh làm chủ.
Home Stylist Đặng Phú Cường, hay còn được biết tới nhiều hơn với cái tên Carrot Dang
Profile Home Stylist Carrot Dang:
Họ tên: Đặng Phú Cường
Năm sinh: 1993
Các dự án đã thực hiện: Madchen Cafe – TP.HCM, Intenso Roastery Bình Dương, Cheese Coffee Lam Sơn – TP.HCM, Kho Nhà Mình Cafeteria – TP.HCM, Yooberi Cafe – Đà Lạt, café Camy 1&2 – Hà Nội…
Bắt đầu với ”Home Stylist” từ những tấm hình, bộ phim trên mạng
Chào anh Carrot, đầu tiên anh có thể nói cơ duyên đưa mình tới với nghề Home Stylist – một nghề có thể nói là còn khá mới ở Việt Nam?
Vốn dĩ ban đầu ngành học của mình là ngành kinh tế, tuy nhiên sau một thời gian tiếp xúc, mình thấy ngành học này khá khô khan và không phù hợp lắm với tính cách cũng như sở thích của bản thân. Bản thân mình là người yêu cái đẹp, đam mê ngắm nhìn các không gian đẹp, thích chăm chút tỉ mỉ từ những thứ nhỏ nhặt nhất.
Mình cũng thường xem phim và lướt web, đặc biệt là các nền tảng chia sẻ hình ảnh như Pinterest, Instagram. Từ những nguồn đó, mình học được về những hình ảnh đẹp, và chúng đã trở thành niềm cảm hứng cho mình.
Sau này khi làm nghề, rất nhiều ý tưởng của mình xuất phát từ chính những hình ảnh hay bộ phim đã xem, ví dụ như café Camy, lấy ý tưởng từ “When the crawdads sing” – bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, lấy bối cảnh một thị trấn miền Nam nước Mỹ thập niên 1960.
Ban đầu, mình chỉ tự áp dụng vào căn phòng của mình rồi quay lại các video trang trí theo nhiều chủ đề khác nhau và đăng tải lên Youtube. Bất ngờ là các video đó của mình lại được mọi người đón nhận và yêu thích. Sau đó do được bạn bè giới thiệu, mình bắt tay vào dự án đầu tiên là một quán cà phê ở Bình Dương – cũng chính là quê nhà của mình. Cũng có thể nói mình bắt đầu “nghề” Home Stylist từ đó.
Được mọi người yêu thích và tin tưởng nên mình đã có cơ hội thực hiện thêm nhiều dự án như các quán cà phê, homestay ở Đà Lạt. Năm 2017, mình được mời về TP.HCM làm việc với tư cách là Home Stylist cho các căn hộ cho người nước ngoài sinh sống.
Những dự án mang nét vintage đặc trưng của Carrot Dang
Theo anh, sự khác nhau giữa người thực hiện công việc Home Stylist và người kiến trúc sư là gì?
Theo những gì mình đã đọc, hiểu và trải qua, thì kiến trúc sư thường thì sẽ là người làm nên tổng thể của một công trình và chủ yếu ở phần thô. Còn Home Stylist sẽ là người định hình phong cách cho không gian. Nó sẽ bao gồm lựa chọn màu sắc, vật liệu của các vật dụng nội thất hay từng món đồ trang trí dù chỉ là nhỏ nhất.
Hiện nay ở Việt Nam nghề Home Stylist thực sự chưa được định hình rõ ràng và chưa phổ biến. Thường thì mọi người sẽ gộp chung công việc của một Home Stylist với một người thiết kế nội thất. Tuy nhiên quy trình đúng để hoàn thiện một không gian có concept rõ ràng phải là: Kỹ sư xây dựng – Kiến trúc sư – Thiết kế nội thất – Home Stylist.
Cũng có thể nói Home Stylist là bước “chốt” cuối cùng, quyết định không gian đó có được hoàn thiện đúng concept đã đề ra trước đó hay không, là người “thổi hồn” vào cho không gian ấy.
Anh có thể nói rõ hơn về công việc, nhiệm vụ của một Home Stylist được không?
Nhiệm vụ của một Home Stylist nghe thì có vẻ rất nhỏ thôi nhưng lại vô cùng cần thiết.
Ví dụ như khi khách hàng đưa cho bạn một cái bàn và một bộ ghế sofa đơn thuần, nó sẽ chỉ là những vật dụng vô tri. Tuy nhiên là một người Home Stylist, mình sẽ phải tính toán sao cho trên bàn đặt gì, bộ sofa có trang trí gì thêm không, đặt gối màu gì, hay lọ hoa trên bàn cắm hoa gì. Tất cả những thứ ấy phải hòa hợp với tổng thể.
Khi tất cả mọi thứ hòa hợp và đi đúng concept, chính khách hàng cũng sẽ hài lòng và người từ bên ngoài bước vào sẽ cảm nhận ngay được không khí của không gian. Lại lấy ví dụ như các quán cà phê mình đã làm là café Camy 1 và 2 Hà Nội, ngay khi bước vào bạn sẽ cảm nhận được sự ấm cúng xen chút hoài cổ giống như một ngôi nhà ở vùng ngoại ô.
Có được điều đó là bởi mình đã bố trí những chiếc ghế sofa lớn, hay những chiếc bàn vuông, bàn tròn gỗ dưới đèn trần vàng, hay những tấm khăn trải bàn dù nhỏ nhỏ thôi nhưng cũng góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện cái tinh thần của cả một không gian lớn.
Hay như dự án đầu tay của mình là Intenso Roastery ở Bình Dương. Không gian này lại cần sự mạnh mẽ, phá cách và nam tính. Vì vậy tông màu mình sử dụng cũng khác, cách bố trí ánh sáng cũng khác hay các vật liệu thay vì gỗ màu hoài cổ thì sẽ là các viên gạch màu xám xi măng, sofa da màu nâu đậm hay cầu thang làm bằng kim loại màu đen…
Quán cà phê ở Bình Dương với một phong cách khác biệt so với những công trình trước đó Carrot Dang đã thực hiện
Khi nhận được đề bài từ khách hàng, Home stylist sẽ phải làm những gì?
Để đảm bảo không bị mua sót, mua thiếu, mình sẽ làm một bảng danh sách những việc cần làm mà những đồ cần mua kèm chi phí cụ thể và gửi cho khách hàng. Nếu khách hàng thông qua thì tiến hành “shopping” thôi.
Tùy vào phong cách mà sẽ có chi phí mua sắm khác nhau. Ví dụ có những phong cách đơn giản, tối giản thì chỉ cần mua sắm ít, miễn sao sắp xếp chúng thật phù hợp. Những có những phong cách lại đòi hỏi rất nhiều chi tiết, vì vậy phải bỏ ra số tiền lớn hơn, thậm chí phải đặt mua đồ đạc từ nước ngoài về.
Hay những phong cách sang trọng mua đồ trang trí cũng phải mua đồ đắt tiền bởi chúng có thể là đồ cổ, đồ quý hiếm, khó mua.
Ngoài các món đồ thì Home Stylist cũng phải phát triển thêm ý tưởng như là lựa chọn màu sắc chính và phụ, tone màu hợp lí – đây cũng là điều mình nghĩ là quan trọng nhất giúp định hướng được concept mà bạn đang hướng tới.
Từng có ý định đi làm… nhân viên quán cà phê vì chán nghề Home Stylist
Đã bao giờ anh gặp phải khó khăn trong công việc của mình hay chưa?
Khó khăn tất nhiên là phải có chứ. Ngay ở dự án đầu tay, mình đã gặp kha khá rồi. Đó là dự án Madchen Cafe – TP.HCM.
Đầu tiên là về thời gian thực hiện rơi đúng vào khoảng thời gian đại dịch Covid-19. Việc mua các vật dụng từ nước ngoài cũng rất khó khăn và mất thời gian. Nhưng khi mua về, hình thực tế của chúng lại không giống với hình trên mạng và không đạt kỳ vọng của mình. Vậy là mình lại phải tìm tòi những nguồn khác ở Việt Nam để mua lại, sao cho có được những thứ đúng với concept đã đề ra nhất. Vì vậy là mất thêm một khoảng thời gian kha khá nữa.
Thông thường một dự án mình làm Home Stylist sẽ mất khoảng 1-2 tháng. Tuy nhiên ở dự án đầu tay này đã mất tới gần nửa năm.
Thời gian đó mình chưa có thực sự nhiều kinh nghiệm và kiến thức, mới chỉ học Home Stylist theo một cách rất đơn thuần là qua những thước phim, hình ảnh hay qua những blog chia sẻ của các bạn Home Stylist ở bên nước ngoài thôi. Vì vậy vẫn còn khá nhiều điều bỡ ngỡ mà mình phải nâng lên đặt xuống, cân nhắc nhiều lần để cho ra một công trình hoàn hảo. Bởi lý thuyết là một chuyện, khi bắt tay vào thực hành lại là 1 câu chuyện khác hoàn toàn.
Cũng thật may mắn là sau khi dự án hoàn thành, mọi người tới, tận hưởng và yêu thích không gian mà mình bài trí nên mình cũng được biết tới nhiều hơn, và tất nhiên cũng nhiều cơ hội mới hơn đã đến.
Dự án đầu tay của Carrot Dang
Sau những khó khăn, có bao giờ anh chán nản?
Hơn 1 lần. Các dự án của mình đa phần đều mang phong cách vintage hoặc homefarm, hoài cổ, màu sắc mà mọi người cũng hay nói là nhìn vào mà biết đó là Carrot làm là màu xanh bơ hay xanh rêu.
Nhưng điều này cũng vô tình gây ra một chút trở ngại cho mình. Các khách hàng sau này vẫn luôn muốn mình làm ra tông màu đó cho họ, mặc dù mình đã định hướng đến một phong cách mới, tông màu mới, mới mẻ hơn, độc đáo hơn, mang một làn gió khác biệt tới thị trường của họ. Việc cứ liên tục phải lặp đi lặp lại những thứ quá cũ như vậy thì mình cũng ít nhiều có cảm giác chán nản, không còn sự sáng tạo, không được phát triển bản thân ở nhiều phong cách khác.
Thời gian đó mình đã từng suy nghĩ sẽ bỏ nghề Home Stylist. Thậm chí mình đã đi ứng tuyển vào làm nhân viên tại một quán cà phê và được nhận rồi.
Nhưng đến ngày chuẩn bị đi làm thì mình lại bất ngờ nhận được một hợp đồng với một style hoàn toàn khác biệt mà mình chưa từng làm trước đó. Cảm giác lúc đó thật sự rất hào hứng. Và có lẽ mình phải cảm ơn dự án này vì nó đang kéo mình lại làm Home Sylist đến tận bây giờ.
Sau quãng thời gian làm nghề, nghề Home Stylist đã khiến anh được? Và anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ cũng có đam mê theo nghề này giống như mình?
Để nói về nghề Home Stylist, mình có thể miêu tả bằng 3 từ là: Trải nghiệm – Thú vị – Đam mê. Cũng giống như bao nghề khác, công việc Home Stylist đem đến cho mình rất nhiều trải nghiệm và kiến thức thú vị, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kiến trúc cho đến cả văn hóa nữa.
Còn đam mê là bởi phải có đam mê thì mới thực sự yêu và làm tốt nghề được. Như đã nói thì Home Stylist ở Việt Nam là một khái niệm còn khá mơ hồ và chưa rõ ràng, song nếu như bạn đang theo học ngành kiểu như thiết kế nội thất, thì đó đã là một “bàn đạp” rất tốt rồi. Hãy chăm xem hơn, chăm đọc hơn các kiến thức từ những tài liệu nước ngoài về Home Stylist.
Như mình thì tới đây mình cũng dự định đăng ký những khóa học chuyên sâu về Home Stylist của Thụy Điển hoặc Singapore để nắm chắc hơn các kiến thức và kỹ năng cốt lõi. Quan trọng là chúng ta luôn cần hoàn thiện mỗi ngày để cho ra những sản phẩm, những không gian hoàn hảo nhất.